Asian Metal: Trước hết, xin cám ơn ông đã dành thời gian cho bài phỏng vấn này. Xin vui lòng giới thiệu sơ bộ về công ty của ông, các sản phẩm chính và mục tiêu thị trường ?
Ông Lê Vĩnh Thiều:
Công ty Cổ Phần Khoáng Sản Quảng Trị là một doanh nghiệp có 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác và chế biến quặng Titan, Zircon. Công ty chúng tôi được nhà nước Việt Nam cấp phép khai thác trên diện tích gần 200 ha và đang làm thủ tục để cấp thêm 200 ha nữa.
Ngoài các đơn vị trực thuộc hoạt động trên lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản thô, công ty có 2 nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu đang hoạt động. Đó là Nhà máy sản xuất bột zircon flour công suất 5000t/năm và Nhà máy sản xuất ilmenite hoàn nguyên công suất 20000t/ năm.
Ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp ở trong nước, chúng tôi có thị trường chính là Trung Quốc và hiện nay đang tìm cách mở rộng thị trường các loại sản phẩm ilmenite, zircon, rutile tự nhiên 85-92% sang các nước: Nhật Bản, Ấn Độ, Đông Nam Á, Đông Âu.
Asian Metal: Gần đây, có nhiều tin tức xung quanh việc xuất khẩu quặng titan, ilmenite từ Việt Nam. Ông có đánh giá như thế nào về việc này trong 3-6 tháng gần đây, và khả năng về chính sách mới của chính phủ Việt Nam về việc xuất khẩu quặng thô ?
Ông Lê Vĩnh Thiều:
Trong mấy tháng gần đây, sản lượng xuất khẩu ilmenite và các loại tinh quặng khác của Việt Nam sụt giảm nghiệm trọng. Nguyên nhân chủ yếu không phải là do chính sách đóng cửa xuất khẩu khoáng sản thô của nhà nước mà chủ yếu là do giá bán trong khu vực giảm sút nghiêm trọng. Các doanh nghiệp khai thác và thương mại nhận thấy khả năng bị thua lỗ nên tinh giảm năng suất khai thác, một số đơn vị thương mại thì giữ hàng chờ ổn định lại thị trường với mức giá cao hơn. Tình trạng chung của ngành khai thác khoáng sản Việt Nam trong năm qua khá ảm đạm.
Trước tình hình này, khả năng chính phủ Việt Nam sẽ xem xét điều chỉnh giảm thuế cho một số mặt hàng thuộc nhóm này để giải quyết khó khăn về tồn kho hàng hóa cho các sản phẩm đã được cho phép xuất khẩu nhưng không xuất được vì giá thấp.
Asian Metal: Có một sự thật là hiện có rất ít dây chuyền chế biến tại Việt Nam. Ông có nghĩ rằng chính phủ vẫn duy trì việc hoãn hoặc ngừng cấp phép xuất khẩu quặng titan và các khoáng sản thô khác, vì các hoạt động khai thác vẫn có thể tạo ra được nhiều việc làm ?
Ông Lê Vĩnh Thiều:
Việc đóng cửa xuất khẩu quặng thô đặc biệt là quặng thô Titan chắc chắn là việc chính phủ Việt Nam thực hiện triệt để. Điều này nằm trong chiến lược khoáng sản của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam và thu được sự ủng hộ của Quốc Hội nên chính phủ không thể không chấp hành.
Tuy nhiên việc đóng cửa xuất khẩu khoáng sản Titan thô sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và việc làm của toàn bộ ngành khoáng sản, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện này của các doanh nghiệp trong nước.
Xem xét trên cục diện chung là như vậy nhưng thực tế việc đóng cửa xuất khẩu khoáng sản thô cũng không ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất Titan chuyên nghiệp, lý do là:
- Từ thập kỉ 80 đã hình thành ngành khai thác khoáng sản Titan Việt Nam với các doanh nghiệp lớn (chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước). Các doanh nghiệp này được ưu đãi cấp các mỏ tốt nhất và có chính sách ưu đãi của nhà nước nên đã phát triển mạnh và vượt bậc. Đến nay, ngoài việc chiếm hữu các mỏ (lớn, hàm lượng cao, chi phí khai thác thấp) thuận lợi, các doanh nghiệp này đã đầu tư các dây chuyền chế biến sâu với công suất phù hợp để sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Việc đóng cửa xuất khẩu khoáng sản thô hầu như không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp này.
- Một số doanh nghiệp mới đây đã đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu nhưng chưa có mỏ hoặc không thuận lợi phải mua nguyên liệu trong nước. Việc đóng cửa xuất khẩu khoáng sản thô sẽ tạo cho các doanh nghiệp này được thuận lợi vì họ sẽ mua được nguyên liệu trong nước với giá rẻ.
- Một số doanh nghiệp mới hình thành có phương thức kinh doanh năng động, khai thác các mỏ nghèo và nguồn quặng tận thu, không có chủ định đầu tư lâu dài. Tình trạng thị trường rớt giá và chủ trương đóng cửa xuất khẩu khoáng sản thô của chính phủ sẽ tác động mạnh đến sự tồn vong của các doanh nghiệp trong nhóm này.
Asian Metal: Nhìn vào rất nhiều thử thách đối với ngành titan và zircon hiện tại, ông nghĩ các đơn vị khai thác và thương mại phải làm gì để thu hút đầu tư cùng hợp tác hoặc cho thuê ?
Ông Lê Vĩnh Thiều:
Trong bối cảnh khó khăn mà ngành khai khoáng titan-zircon phải đối đầu hiện nay và khả năng còn kéo dài, để tồn tại và phát triển theo chúng tôi nghĩ, cần phải:
- Tiết giảm công suất khai thác trên quy mô toàn quốc. Chỉ khai thác các mỏ có giá thành khai thác thấp kèm với chế biến sâu.
- Hợp tác đầu tư chế biến xỉ titan – rutile nhân tạo tại Việt Nam (nhờ có nguồn ilmenite giá rẻ vì đóng cửa xuất khẩu).
- Cải tạo nâng cấp công nghệ phục vụ ngành chế biến sâu xỉ titan (các nhà máy xỉ titan đã đầu tư) nhằm nâng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo sức mạnh cạnh tranh cho sản phẩm này trong khu vực và thị trường quốc tế.
Asian Metal: Các đơn vị khai thác và công ty thương mại đã nói nhiều về việc tăng giá trị gia tăng đối với ilmenite xuất khẩu. Vậy hoàn cảnh hiện tại đối với sản phẩm ilmenite hoàn nguyên là như thế nào khi mà các dây chuyền sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa phát triển ?
Ông Lê Vĩnh Thiều:
Ilmenite hoàn nguyên là sản phẩm chế biến sâu nằm trong quy hoạch đầu tư và được sự ưu tiên của chính phủ Việt Nam. Khác với sản phẩm xỉ titan và rutile nhân tạo có thị trường tiêu thị rộng rãi, ilminite hoàn nguyên chủ yếu phục vụ cho công nghiệp sản xuất que hàn ở Trung Quốc và một số ít nhà sản xuất que hàn trong khu vực.
Tại Việt Nam, các nhà máy que hàn đều sử dụng sản phẩm của chúng tôi, nhưng chỉ tiêu thụ hết 30% sản phẩm của nhà máy. Số còn lại phải xuất khẩu. Sản phẩm của chúng tôi khi đến tay khách hàng phải chịu khoản thuế xuất khẩu của nhà nước Việt Nam, thuế nhập khẩu của nước sở tại và chi phí vận chuyển khá lớn.
Nếu thị trường tiêu thụ tốt, chúng tôi có thể đầu tư nâng cấp công suất dây chuyền lên gấp đôi chỉ sau 1 năm đầu tư. Như vậy không thể nói là ngành sản xuất ilmenite hoàn nguyên tại Việt Nam chưa phát triển mà do thị trường chưa tốt mà thôi.
Asian Metal: Ông có dự đoán gì không về sự phát triển của các dây chuyền chế biến trong 12-24 tháng tới khi các nhà đầu tư muốn có những chính sách rõ ràng và có thể dự đoán được ?
Ông Lê Vĩnh Thiều: Theo dự đoán của tôi, trong 12-24 tháng tới, với chính sách hiện hành của nhà nước Việt Nam và tình hình của thị trường sản phẩm Titan vẫn chưa có chuyển biến tốt, sẽ không có thêm dây chuyền chế biến sâu nào được đầu tư thêm tại Việt Nam, ngoài trừ việc cải tạo các dây chuyền cũ đã đầu tư có công nghệ và công suất phù hợp.
Asian Metal: Ông có nghĩ rằng chính phủ sẽ cấp mới giấy phép xuất khẩu và cấp thêm quota xuất khẩu mới trong năm tới ?
Ông Lê Vĩnh Thiều:
Tôi không hy vọng là chính phủ sẽ phải gia hạn xuất khẩu tinh quặng ilmenite và cấp thêm quota mới trong năm tới, vì chính phủ đã gia hạn cho các doanh nghiệp quá nhiều lần từ khi có kế hoạch đóng cửa để đầu tư chế biến sâu.
Asian Metal: Đánh giá tổng quát của ông về xuất khẩu ilmenite và zircon vào Trung Quốc về khối lượng và giá cả ? Ông có nhắm đến các thị trường khác như Nhật hoặc Châu Âu ?
Ông Lê Vĩnh Thiều:
Theo tôi, thị trường xuất khẩu các sản phẩm ilmenite và zircon tại Trung quốc là tốt nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Có thể nói qua một số lợi thế như:
- Thị trường Trung Quốc rộng lớn về mặt nhu cầu.
- Thị trường Trung Quốc sẵn sàng mua sản phẩm với nhiều cấp độ chất lượng khác nhau, không kén hàng.
- Vận chuyển và vào nhận hàng hóa thuận lợi vì ở gần Việt Nam.
- Điều kiện thanh toán của các thương nhân Trung Quốc rất thuận lợi, thường là trọng uy tín, hay chuyển tiền mua hàng trước và không hay bắt bẻ về chất lượng để trả lại hàng.
- Doanh nhân Trung Quốc thường hay hỗ trợ đơn vị bán hàng về kỹ thuật khi cần.
- Phong tục tập quán, quan điểm và đạo đức kinh doanh của người Trung Quốc tương đối giống người Việt Nam.
Công ty chúng tôi cũng đã làm việc nhiều lần với các khách hàng Nhật Bản, châu Âu nhưng số lượng tiêu thụ của họ thường là không lớn. Giá bán có cao hơn được một chút nhưng thủ tục mua bán thường rườm rà, cứng nhắc. Tuy nhiên vì quyền lợi và sự phát triển của công ty, chúng tôi cũng sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện để hợp tác khi có cơ hội.
Asian Metal: Cám ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của chúng tôi. Chúc ông may mắn và thành công trong mọi việc.