Công nghiệp Titan trước thách thức mới

Công nghiệp Titan trước thách thức mới

Trong những năm qua hoạt động khoáng sản Titan diễn ra “quá nóng”. Cao điểm giữa năm 2012, cả nước có trên 70 DN hoạt động khoáng sản Ti tan, với 47 giấy phép khai thác đang có hiệu lực, điều đó ảnh hưởng không ít tới sự phát triển ổn định của ngành Titan.

 

Nỗ lực của các doanh nghiệp

Theo đánh giá của Hiệp hội Titan Việt Nam tại Hội nghị thường niên ngày 10/8/2013 tại Quảng Trị, từ năm 2012 đến nay, mặc dù Quy hoạch chưa được phê duyệt, song các DN khai thác và chế biến khoáng sản Titan đã xúc tiến mạnh mẽ đầu tư chế biến sâu như xỉ Titan, Titan Pigment, Titan xốp, Titan kim loại... với tinh thần là lựa chọn công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, quy mô công suất hợp lý, hiệu quả, thân thiện với môi trường như định hướng của Chính phủ.

Đặc biệt, trong năm qua, các dự án chế biến sâu đã đi vào sản xuất, đang được đầu tư mở rộng, cải tạo, nâng cấp. Một số dự án chế biến sâu chuẩn bị đầu tư mới đều lựa chọn công suất lớn, công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, tiêu thụ điện năng thấp và thân thiện với môi trường như: Dự án luyện xỉ Ti tan của Công ty cổ phần thương mại Tân Quang Cường, công suất 43.700,0 tấn/năm, công nghệ Tenova (Nam Phi); dự án luyện xỉ của Công ty cổ phần Vinaminco Ninh Thuận, công suất 74.000,0 tấn/năm công nghệ của Autotec, dự án luyện xỉ của Công ty TNHH khoáng sản và thương mại Sao Mai (Bình Thuận), công suất 30.000,0 tấn/năm, dự án luyện xỉ của Công ty cổ phần Đường  Lâm (Bình Thuận), công suất 120.000,0 tấn/năm, công nghệ Autotec, dự án luyện xỉ của Công ty cổ phần khoáng sản An Khánh, công suất 100.000,0 tấn/năm (2 giai đoạn), công nghệ Trung Quốc.

Ông Lưu Đức Huy- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế Bộ Tài chính:

Các DN phát biểu kiến nghị về các mức thuế khá nhiều nhưng chúng tôi cũng mong muốn được nghe chính Hiệp hội Titan, chính các DN phân tích rõ về các mức thuế, ví dụ cần có cuộc gặp gỡ giữa Hiệp hội, DN và các cơ quan liên quan đến chính sách thuế để có sự trao đổi, trên cơ sở đó Bộ Tài chính mới đưa ra các chính sách đúng với thực tế hơn.

Các dự án luyện xỉ trên đã được hội đồng thẩm định của Bộ Công Thương thẩm định. Ngoài các dự án đầu tư mới, nhiều dự án luyện xỉ của các đơn vị đang tích cực thực hiện các giai đoạn chuẩn bị đầu tư và tích cực nghiên cứu, cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới để cải tạo, thay thế thiết bị, đổi mới công nghệ cho thăm dò, khai thác, chế biến để tận thu triệt để tài nguyên khoáng sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, tái tạo môi trường.

Trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng Titan của Việt  Nam đến nay khoảng 658 triệu tấn, trữ lượng và tài nguyên dự báo có thể huy động cho kỳ quy hoạch khoảng 440 triệu tấn. với trên 47 giấy phép khai thác còn hiệu lực, công suất 1,26 triệu tấn/năm, hầu hết các giấy phép khai thác công nghiệp có trữ lượng lớn đều cấp cho các DN có năng lực về chuyên môn, có kinh nghiệm và năng lực tài chính, đã và đang đầu tư cho khai thác chế biến và chế biến sâu.

Những tồn tại khó khăn đặt ra

Theo đánh giá của Hiệp hội Titan Việt Nam, việc chấp hành các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản nói chung và khoáng sản Ti tan nói riêng... chưa nghiêm, tình trạng khai tác, vận chuyển, buôn bán trái phép vẫn diễn ra phức tạp, việc xuất khẩu lậu, gian lận thương mại, lách luật để trốn thuế chưa được chấm dứt, dẫn đến làm thất thoát nghiêm trọng tài nguyên khoáng sản và thất thoát lớn ngân sách Nhà nước.

Việc cấp phép thăm dò, khai thác, chiến biến khoáng sản Titan cũng được các DN đề cập, ví dụ: cấp phép khai thác không gắn với tuyển thô và tuyển tinh, ngược lại cấp phép khai thác tận thu cũng yêu cầu có dự án chế biến sâu, năng lực chuyên môn, trong khi năng lực tài chính của một số đơn vị quá yếu, kinh nghiệm trong nghề quá non. Các mỏ và điểm mỏ khai thác tận thu chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng một cách đầy đủ, một số khai thác chạy theo lợi nhuận, không đầu tư chế biến tuyển tinh để tận thu triệt để các loại khoáng sản quý hiếm như Zircon, Rutin, Monazit ... Cấp phép khai tác chưa cân đối với chế biến tuyển tinh và đặc biệt không cân đối với chế biên sâu, chất lượng sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu, không tiêu thụ được, làm rối thị trường, tranh nhau bán, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp.

Trong bối cảnh như vậy, “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng Titan đến năm 2020, có xét tới năm 2030” chưa được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dẫn đến các đơn vị không dám đầu tư và hoạt động khoáng sản Titan, đặc biệt là các dự án chế biến sâu khi Quy hoạch này chưa được phê duyệt.

Một trong những nội dung quan trọng cũng được các DN tập trung kiến nghị, đó là việc ban hành các chính sách phải kịp thời và phù hợp để khuyến khích sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, chấp hành pháp luật. Chính sách xuất khẩu phải phù hợp giữa cấp phép khai thác tuyển tinh với chế biến sâu. Vì mất cân bằng sẽ xẩy ra tình trạng dư thừa quặng tinh Ilmenite cho các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, DN sẽ thua lỗ và dễ đi đến phá sản, các mức thuế, phí và lệ phí phải phù hợp, hiện tại thuế xuất khẩu quặng tinh Ilmenite quá cao (40%) thuế Tài nguyên đang dự kiến tăng, cộng với các loại thuế, phí, lệ phí khác làm cho DN hoạt động rất khó khăn. Chính vì vậy, dù hiện nay vốn vay hiện nay đã giảm xuống nhưng DN cũng không dám vay và cũng không thể vay được, trong lúc đó thời gian đầu tư cho khai thác mỏ khá dài mà chính sách lại thay đổi liên tục, giá cả vật tư, nguyên nhiên vật liệu chi phí đầu vào cho sản xuất tăng quá lớn và làm cho các DN đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Kiến nghị và đề xuất của doanh nghiệp

Tại hội nghị, các DN đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến 2020, có xét tới năm 2030”, để các địa phương và DN có cơ sở định hướng chiến lược đầu tư các dự án phát triển. Đồng thời kiến nghị Nhà nước thi hành một chính sách hợp lý, ổn định, hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật vì đó là điều kiện tối cần thiết để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng nói chung, khai thác, chế biến quặng titan nói riêng.

Mặt khác, Hiệp hội Titan cũng kiến nghị bộ, ngành và địa phương có liên quan hạn chế việc cấp phép manh mún, nhỏ lẻ gây ảnh hưởng đến môi trường, khó tập trung đầu tư các nhà máy chế biến sâu; Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, đặc biệt phải chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán khoáng sản trái phép, xuất khẩu lậu, trốn thuế; Xem xét, ưu tiên cấp mỏ cho các đơn vị đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường, có đầu tư chế biến sâu theo quy hoạch để các Nhà máy có đủ nguyên liệu hoạt động lâu dài.

Các DN cũng tập trung kiến nghị với Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét lại chính sách thuế, giá tính thuế cho các sản phẩm sau chế biến phù hợp với đặc điểm từng khu vực mỏ và đúng với quy trình chế biến của các dòng sản phẩm từ quặng titan (ilmenit hoàn nguyên, xỉ titan loại có hàm lượng ≥75% TiO2), không tăng thuế TN đối với quặng titan; đồng thời Nhà nước có các chính sách nhằm điều chỉnh các loại thuế, phí theo hướng điều chỉnh giảm vì hiện nay các loại thuế, phí đối với sản phẩm quặng titan là rất cao.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang,góp ý thẳng thắn: “Một số đơn vị chưa chú trọng đầu tư đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ, chưa dũng cảm đón đầu khoa học, nhất là chưa thể hiện sự liên kết và hợp tác. Đơn vị nào cũng muốn có mỏ để tự khai thác, tuyển thô, tuyển tinh đến chế biến sâu để có kim ngạch xuất khẩu, không phụ thuộc vào ai. Với tư tưởng như vậy làm cho ngành công nghiệp Titan phát triển chưa được như dự định”. Trả lời cho thắc mắc của các DN về việc Chính phủ chậm ban hành “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng Titan đến năm 2020, có xét tới năm 2030”, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết, dự kiến tháng 8, tháng 9 tới Chính phủ sẽ ban hành để các địa phương, DN có cơ sở thực hiện các dự án đầu tư của mình. Thứ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp trong thời gian tới phải đặc biệt lưu ý lựa chọn được các công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, thân thiện môi trường.

Nhằm phát triển bền vững, tránh đầu tư tràn lan, lãng phí và tranh chấp nguồn nguyên liệu, cần có quy hoạch các dự án chế biến sâu quặng Ti tan, bảo đảm sử dụng hết nguồn nguyên liệu khai thác, tránh đầu tư manh mún, nhập khẩu công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, môi sinh. Mặt khác, cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư có năng lực về kinh nghiệm, vốn đầu tư tham gia dự án chế biến; điều chỉnh thuế xuất khâu theo hướng giảm tối đa mức thuế đối với sản phẩm qua chế biến.

http://baocongthuong.com.vn


Loading the player ...